VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

VIỆN ĐỊA CHẤT

CHI ĐOÀN VIỆN ĐỊA CHẤT THAM GIA HỘI NGHỊ KHOA HỌC THANH NIÊN KHỐI CÁC KHOA HỌC TRÁI ĐẤT LẦN THỨ III NĂM 2022

Ngày 18/11/2022, “Hội nghị Khoa học Thanh niên khối các Khoa học Trái đất lần thứ III năm 2022” được diễn ra dưới sự đồng tổ chức của Đoàn thanh niên các đơn vị thuộc Khối các Khoa học trái đất gồm: Viện Địa chất, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa lý, Viện Địa chất Địa Vật lý biển và Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Lãnh đạo các đơn vị trong Khối và Thường trực Hội đồng khoa học ngành Các Khoa học Trái Đất; đại diện Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm KHCNVN;          Viện Địa chất có sự tham dự của Phó Viện trưởng TS. Vũ Thị Minh Nguyệt và Chủ tịch Hội đồng khoa học GS.TS. Phan Trọng Trịnh; cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, các cán bộ nghiên cứu trẻ đến từ các đơn vị trực thuộc.

Hội nghị là một diễn đàn khoa học thanh niên thường kỳ trong khối Các Khoa học Trái đất, là cơ hội để các cán bộ trẻ trao đổi thông tin, giới thiệu và công bố các thành tựu, kết quả nghiên cứu cũng như các hoạt động khoa học công nghệ của mình. Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị đã nhận được 18 báo cáo đến từ các cán bộ nghiên cứu trẻ và đã chọn được 06 báo cáo có chất lượng cao để trình bày trực tiếp tại Hội nghị, trong đó có 02 báo cáo đến từ chi đoàn Viện Địa chất gồm:

1. Báo cáo “Thạch luận các đá granit và ryolit tuổi pecmi khu vực khối nâng phan si pan và trũng tú lệ, tây bắc Việt Nam: các đóng góp mới về tuổi tuyệt đối, đặc điểm địa hóa, nguồn gốc, và điều kiện cổ địa lý khu vực” do TS. Phạm Thanh Thùy trình bày. Bằng việc sử dụng hệ thống các phương pháp phân tích thạch học, địa hóa nguyên tố hiếm-vết-đồng vị, mô hình kết tinh phân đoạn, nghiên cứu đã chỉ ra các đá granit MH, NX-TĐ, PSP và ryolit TL thuộc nhóm các đá granit-ryolit không tạo núi kiểu A1 (A1-type granitic rocks), giàu sắt và kiềm (alkali ferroan granitic rocks) được hình thành do quá trình kết tinh phân đoạn từ nguồn magma basalt giàu titan đã bị đồng hóa bởi các đá vây quanh. Nghiên cứu định tuổi tuyệt đối cho các đá MH, PSP, NX-TĐ và TL thông qua cách đo đồng vị U-Pb trong khoáng vật zircon bằng phương pháp CA-ID-TIMS (chemical abrasion isotope dilution thermal ionization mass spectrometry) thu được tuổi thành tạo của đá granit MH là 257.3 ± 0.2 triệu năm, đá granit PSP là 256.3 ± 0.4 triệu năm (đỉnh Fansipan), đá ryolit TL là 257.1 ± 0.6 triệu năm và 257.9 ± 0.3 triệu năm. Kết quả nghiên cứu đã thu hẹp khoảng thời gian hoạt động phun trào magma của ELIP khoảng 6 triệu năm so với các công bố trước đây, khẳng định quá trình thành tạo ELIP bắt đầu và kết thúc trong kỷ Pecmi.

2. Báo cáo “Ứng dụng các mô hình học máy trong đánh giá nguy cơ trượt lở đất tại Sìn Hồ (Lai Châu) và Mường Lay (Điện Biên)” do ThS. Trần Văn Phong trình bày. Trọng tâm nghiên cứu của báo cáo là đánh giá nguy cơ trượt lở giúp phục vụ công tác phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do các thiên tai trên gây ra đối với con người và xã hội ở khu vực Sìn Hồ (Lai Châu) và Mường Lay (Điện Biên) dựa trên ứng dựng các mô hình học máy. Bằng việc sử dụng 14 yếu tố ảnh hưởng tới trượt lở (chia thành 4 nhóm: (1) Nhóm yếu tố địa chất - kiến tạo; (2) Nhóm yếu tố địa hình - địa mạo; (3) Nhóm yếu tố khí tượng - thủy văn; (4) Yếu tố nhân sinh) kết hợp với dữ liệu hiện trạng gồm 582 vị trí trượt lở tại khu vực nghiên cứu làm dữ liệu đầu vào cho các mô hình học máy. Đối sánh kết quả với các mô hình: mô hình mạng thần kinh nhân tạo (ANN), Bayes Network (BN), Naive Bayes (NB), máy vector hỗ trợ (SVM), phối hợp mạng nơrôn nhân tạo (MLP), Hồi quy Logistic (LR), Forest by Penalizing Attributes (FPA) và mô hình kết hợp Bagging với FPA (BFPA) nghiên cứu đã xây dựng thành công sơ đồ nguy cơ trượt lở đất từ mô hình tối ưu nhất (BFPA) (ước lượng độ chính xác theo ACC = 92.86%, AUC = 0.982) cho khu vực Sìn Hồ và Mường Lay.

Bế mạc Hội nghị, thay mặt Hội đồng khoa học các đơn vị trong khối, GS.TS Phan Trọng Trịnh đánh giá cao chất lượng của các bài viết và báo cáo của Hội nghị, đồng thời mong muốn Hội nghị khoa học thanh niên khối các Khoa học Trái đất được tổ chức thường niên và phát triển dài lâu, trở thành một sân chơi khoa học bổ ích cho đoàn viên khối các Khoa học Trái đất nói riêng và đoàn viên thanh niên Viện Hàn lâm KH&CN VN nói chung.

Một số hình ảnh của hội nghị tại Hội trường tầng 9, Nhà A27 Viện Địa chất và Địa vật lý biển:

TS. Phạm Thanh Thùy trình bày báo cáo: “Thạch luận các đá granit và ryolit tuổi pecmi khu vực khối nâng phan si pan và trũng tú lệ, tây bắc Việt Nam: các đóng góp mới về tuổi tuyệt đối, đặc điểm địa hóa, nguồn gốc, và điều kiện cổ địa lý khu vực”

ThS. Trần Văn Phong trình bày báo cáo: “Ứng dụng các mô hình học máy trong đánh giá nguy cơ trượt lở đất tại Sìn Hồ (Lai Châu) và Mường Lay (Điện Biên)”

GS.TS. Phan Trọng Trinh - Chủ tịch Hội đồng khoa học viện Địa chất phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phạm Thanh Đăng, Bí thư chi đoàn Viện Địa chất thay mặt Ban tổ chức tặng hoa tri ân các thầy, cô trong hội đồng khoa học nhân ngày 20 tháng 11

Đại diện lãnh đạo, Hội đồng khoa học các chuyên ngành trong khối các Khoa học Trái đất chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí đoàn viên Thanh niên

Nguồn tin và ảnh: Phạm Thanh Đăng, Bí thư Chi đoàn Viện Địa chất

Xử lý tin: Nguyễn Thị Mai

Tin tức khác

 
Vui lòng đợi...