VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

VIỆN ĐỊA CHẤT

Seminar khoa học do nhóm nghiên cứu của GS. VS Alexander Sobolev trình bày

Ngày 18/10/2022, Viện Địa chất đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Số liệu mới về thạch học và địa hóa của komatiit Sông Đà từ các nghiên cứu về dung thể và thành phần olivin trên nền tảng vi phân tích được trang bị tại Đại học Grenoble Aples, Cộng hòa Pháp qua dự án MEET” do nhóm nghiên cứu của GS.VS Alexander Sobolev, Đại học Grenoble Alpes (Cộng hòa Pháp) trình bày.

Nhóm nghiên cứu của GS.VS Sobolev đã rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển của Trái đất (đặc biệt là quyển manti) từ các phương pháp nghiên cứu bao thể (dung thể, melt inclusions) trong khoáng vật olivin. Nhóm đã công bố hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trong đó có gần 20 bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature và Science. Ngoài ra, bộ mẫu chuẩn khoáng vật olivin do TS. Batanova thực hiện, đã và đang được chấp nhận và sử dụng rộng rãi tại nhiều phòng nghiên cứu trên thế giới. Hiện tại, GS.VS Sobolev là thành viên danh dự nhiều Hiệp hội học thuật chuyên về Khoa học Trái Đất trên thế giới như Hiệp hội Địa hóa (Geochemical Society), Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (American Geophysical Union), Hiệp hội địa hóa Châu Âu (European Association of Geochemistry),…

Tham gia báo cáo tại seminar, GS.VS Sobolev đã trình bày báo cáo: “Theo dõi sự tiến hóa của Trái đất qua thời gian (Monitoring Earth Evolution Through Time - MEET) và nền tảng vi phân tích được trang bị tại Đại học Grenoble, Pháp”. Báo cáo đã giới thiệu về dự án hiện tại nhóm nghiên cứu đang triển khai, đây là dự án lớn kéo dài 07 năm (2020 - 2027) được bảo trợ và cấp kinh phí bởi Hội đồng nghiên cứu Châu Âu (Europian Research Council), trị giá hơn 13 triệu Euro. Đồng thời, GS.VS  Sobolev cung cấp thêm một số thông tin về các trang thiết bị hiện đại chuyên dụng đang được sử dụng để phục vụ cho dự án MEET, bao gồm: EPMA, LA-MC-ICP-MS, SIMS và Raman với các chức năng ưu việt và độ chính xác thuộc nhóm tốt nhất hiện nay trên thế giới.

GS.VS Alexander Sobolev giới thiệu Dự án Monitoring Earth Evolution Through Time - MEET

 

Tiếp nối chương trình, NCS. Charbel Kazzy đã trình bày báo cáo: “Số liệu mới về thạch học và địa hóa của komatiit Sông Đà (Việt Nam) từ các nghiên cứu về dung thể và thành phần của olivin”. Báo cáo đã giới thiệu chung về komatiit, đặc điểm và tổng quan nghiên cứu về komatiit tại khu vực Sông Đà, Tây Bắc Việt Nam. Các phương pháp EPMA, SIMS, RAMAN, và LA-MC-ICP-MS đã được sử dụng để nghiên cứu hàm lượng nguyên tố chính, vết, lượng nước, và đồng vị Sr đo được từ bao thể trong khoáng vật olivin của komatiit Sông Đà. Kết quả nghiên cứu bước đầu chỉ ra nguồn magma ban đầu của komatiit Sông Đà có thể chứa hàm lượng nước lên tới 1% khối lượng (1wt%) và được hình thành bởi sự trộn lẫn của hai nguồn chính bao gồm: manti và một nguồn chưa xác định (cần nghiên cứu thêm). Nghiên cứu còn dự kiến sẽ xác định nhiệt độ manti dựa trên tính toán hàm lượng nguyên tố Nhôm (Al) của các khoáng vật spinel (trong bao thể) và olivin.

Seminar khoa học đã thu hút đông đảo các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, đến từ các trường Đại học, Hội chuyên ngành và Viện nghiên cứu thuộc khối Khoa học Trái đất. Các kết quả nghiên cứu được trình bày đã mở ra thêm nhiều thảo luận khoa học sôi nổi và thú vị. Ngoài ra, các điểm tương đồng về hướng nghiên cứu thạch luận magma của Viện Địa chất cùng nhóm nghiên cứu của GS.VS Sobolev hứa hẹn mở ra nhiều chương trình hợp tác khoa học trong tương lai.

Nguồn tin: TS. Phạm Thanh Thùy, Viện Địa chất

Xử lý tin: Nguyễn Thị Mai

Tin tức khác

 
Vui lòng đợi...